Chỉ định Quản tài viên, Doanh nghiệp quản lý thanh lý tài sản
1. Chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản
1.1. Thời hạn, thẩm quyền chỉ định
Khoản 1 Điều 45 Luật Phá sản năm 2014 quy định như sau:
“Điều 45. Chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản
1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản, Thẩm phán có trách nhiệm chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.”
Như vậy, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản, hoặc quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản sẽ được Thẩm phán phụ trách xử lý việc phá sản chỉ định để quản lý và giám sát các tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị mở thủ tục phá sản. Việc đưa ra hai lựa chọn là quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đem lại sự linh động cần thiết cho nhu cầu quản lý tài sản của doanh nghiệp bị mất khả năng thanh toán. Đối với các vụ việc đơn giản, tài sản của doanh nghiệp không nhiều, các giấy tờ, hồ sơ tài chính liên quan đến tài sản của doanh nghiệp không phức tạp thì việc chỉ định quản tài viên là hợp lý. Tuy nhiên, đối với những vụ việc phá sản phức tạp, tài sản của doanh nghiệp có giá trị lớn, hồ sơ, sổ sách tài chính của doanh nghiệp có nhiều vấn đề nghiên cứu thì việc chỉ định doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản là cần thiết.
1.2. Căn cứ chỉ định
Theo Khoản 2 Điều 45 Luật Phá sản năm 2014, các căn cứ chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản gồm:
Thứ nhất, cá nhân có chứng chỉ hành nghề Quản tài viên; doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
Một trong những điều kiện để cá nhân hành nghề Quản tài viên là có chứng chỉ Quản tài viên. Không phải ai cũng được hành nghề Quản tài viên bởi đây là một công việc đòi hỏi nhiều kỹ năng phức tạp, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của nhiều bên liên quan, do đó, họ phải có năng lực, trình độ nhất định. Để được cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên người đó phải là Luật sư, Kiểm toán viên hoặc Người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng và có kinh nghiệm 05 năm trở lên về lĩnh vực được đào tạo.
Thứ hai, đề xuất chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Theo quy định tại các Điều 26, 27, 28, 29 của Luật Phá sản năm 2014 thì chủ thể có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản có quyền đề xuất Thẩm phán chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản trong đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản để đảm bảo quyền lợi cho mình cũng như của người khác trong quá trình thực hiện thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã. Tuy nhiên, Luật Phá sản năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành không đề cập đến việc giải quyết các đề xuất Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản trong trường hợp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đã nộp và không có nội dung này hoặc các trường hợp trong quá trình sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản mà những người có liên quan đến vụ việc phá sản mới đề xuất chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
Thứ ba, quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản không có lợi ích liên quan đến vụ việc phá sản.
Để đảm bảo Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản khách quan trong khi thi hành nhiệm vụ thì họ không là chủ nợ, người được hưởng các lợi ích liên quan khi xử lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
Thứ tư, tính chất của việc giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Đây là yêu cầu thực tế, thẩm phán phải đánh giá tính chất phức tạp của vụ án, sự cần thiết phải có Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản tham gia giúp việc trong quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp hay không khi đưa ra quyết định chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Việc cân nhắc của thẩm phán đã được trình bày ở phần 1.1.
Thứ năm, quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản không phải là người thân thích của người tham gia thủ tục phá sản.
Luật Phá sản năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành không giải thích cụ thể người thân thích được hiểu như thế nào, cũng như không dẫn chiếu đến các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, có thể xác định người thân thích của Quản tài viên là những người có quan hệ sau với Quản tài viên: vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, con đẻ, con nuôi, con rể, con dâu, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu, anh ruột của vợ, anh ruột của chồng, chị ruột của vợ, chị ruột của chồng, em ruột của vợ, em ruột của chồng.
Như vậy, để chỉ định được Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản tham gia thủ tục phá sản, Thẩm phán phải căn cứ vào năm tiêu chí trên. Có những tiêu chí được quy định khung, căn cứ vào quy định pháp luật như có Chứng chỉ hành nghề… nhưng có những tiêu chí lại phụ thuộc vào sự đánh giá chủ quan của Thẩm phán như tính chất của việc giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
2. Văn bản chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý thanh lý tài sản gồm những nội dung chủ yếu nào?
Căn cứ khoản 3 Điều 45 Luật Phá sản 2014 quy định về chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản như sau:
Chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản
“...
3. Văn bản chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản phải có nội dung chủ yếu sau:
a) Ngày, tháng, năm;
b) Tên, địa chỉ của chủ nợ; doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán;
c) Tên, địa chỉ của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản;
d) Tóm tắt nội dung yêu cầu mở thủ tục phá sản;
đ) Căn cứ để chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản;
e) Tạm ứng chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản;
g) Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản;
h) Thẩm phán ký tên và đóng dấu của Tòa án nhân dân.”
Theo đó, văn bản chỉ định Quản tài viên gồm những nội dung chủ yếu được quy định tại khoản 3 Điều 45 nêu trên.
3. Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý thanh lý tài sản có thể bị thay đổi trong những trường hợp nào?
Theo quy định tại Điều 46 Luật Phá sản 2014 về thay đổi Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản như sau:
Thay đổi Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản
“1. Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có thể bị Thẩm phán quyết định thay đổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật này;
b) Có căn cứ chứng minh Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản không khách quan trong khi thực hiện nhiệm vụ;
c) Trường hợp bất khả kháng mà Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản không thực hiện được nhiệm vụ.
2. Quyết định thay đổi Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản phải bằng văn bản, trong đó phải ghi rõ việc xử lý tạm ứng chi phí của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản bị thay đổi và gửi ngay cho Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, người tham gia thủ tục phá sản.
3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định thay đổi Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, người tham gia thủ tục phá sản, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có quyền làm đơn đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân có thẩm quyền xem xét lại quyết định.
4. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị xem xét lại quyết định thay đổi Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, Chánh án Tòa án nhân dân xem xét, ban hành một trong các quyết định sau:
a) Không chấp nhận đề nghị xem xét lại quyết định thay đổi Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản;
b) Hủy bỏ quyết định thay đổi Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
5. Quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân quy định tại khoản 4 Điều này là quyết định cuối cùng.
6. Trường hợp thay đổi theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản phải trả lại toàn bộ tiền tạm ứng chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Trường hợp thay đổi theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được thanh toán chi phí tương ứng với phần công việc đã thực hiện.
7. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định thay đổi, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản bị thay đổi phải thực hiện bàn giao toàn bộ công việc đã thực hiện cho Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản mới.
8. Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản bị thay đổi trong trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này hoặc không thực hiện bàn giao theo quy định tại khoản 7 Điều này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý thanh lý tài sản có thể bị thay đổi trong những trường hợp sau:
+ Vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật này.
+ Có căn cứ chứng minh Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý và thanh lý tài sản không khách quan trong khi thực hiện nhiệm vụ.
+ Trường hợp bất khả kháng mà Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý và thanh lý tài sản không thực hiện được nhiệm vụ.