Lệ phí, chi phí phá sản và tạm ứng chi phí phá sản
Để hoàn tất thủ tục phá sản, người yêu cầu mở thủ tục phá sản hay doanh nghiệp phải thực hiện nộp lệ phí và chi phí phá sản đầy đủ, đúng hạn theo như Pháp luật Phá sản quy định. Vậy các khoản lệ phí, chi phí đó được pháp luật quy định cụ thể như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây.
1. Lệ phí phá sản
Theo khoản 11 Điều 4 Luật Phá sản 2014 định nghĩa về lệ phí “Lệ phí nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (sau đây gọi là lệ phí phá sản) là khoản tiền mà người yêu cầu mở thủ tục phá sản phải nộp để Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.”.
Về mức lệ phí, Điều 22 Luật Phá sản năm 2014 quy định: "Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải nộp lệ phí phá sản theo quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án nhân dân. Trường hợp người nộp đơn quy định tại khoản 2 Điều 5 và điểm a khoản 1 Điều 105 của Luật này không phải nộp lệ phí phá sản.”
Theo Danh mục lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 thì lệ phí nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hiện nay là 1,5 triệu đồng
Theo đó, những người phải nộp tiền lệ phí khi nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã được quy định tại Điều 40 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 bao gồm: Chủ nợ không có bảo đảm; chủ nợ có bảo đảm một phần; người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã; chủ doanh nghiệp tư nhân; Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần; Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; thành viên hợp danh của công ty hợp danh; cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% cổ phần phổ thông trở lên; thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã.
Tuy nhiên nếu thuộc một trong các trường hợp sau thì người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không phải nộp lệ phí phá sản theo Điều 22 Luật Phá sản:
- Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở.
- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã; Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh mà doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán không còn tiền, tài sản khác để nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản.
2. Chi phí phá sản
Định nghĩa về chi phí phá sản được quy định tại Khoản 12 Điều 4 Luật Phá sản năm 2014:
“Chi phí phá sản là khoản tiền phải chi trả cho việc giải quyết phá sản, bao gồm chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, chi phí kiểm toán, chi phí đăng báo và các chi phí khác theo quy định của pháp luật.”
Chi phí phá sản được quy định tại Điều 23 Luật Phá sản năm 2014 như sau:
- Chi phí phá sản được thanh toán từ giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
- Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải nộp tạm ứng chi phí phá sản, trừ 2 trường hợp không phải nộp giống như lệ phí phá sản.
- Tòa án nhân dân giao cho Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản bán một số tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán để bảo đảm chi phí phá sản.
Như vậy, chi phí phá sản bao gồm chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, chi phí kiểm toán, chi phí đăng báo và các chi phí khác theo quy định của pháp luật.
2.1. Chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản
Theo Khoản 13 Điều 4 Luật Phá sản năm 2014, Chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được định nghĩa: “Chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản là khoản tiền phải chi trả cho việc giải quyết phá sản của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.”
Dựa theo định nghĩa trên và các quy định liên quan trong Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có thể đưa ra một số lưu ý về chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
2.2. Chi phí kiểm toán
Công việc của kiểm toán chính là kiểm tra, xác minh tính trung thực của những báo cáo tài chính đó, từ đó giúp cung cấp những thông tin chính xác nhất về tình hình tài chính của tổ chức đó. Để thực hiện thủ tục phá sản, Thẩm phán có thể tự mình hoặc thực hiện theo yêu cầu, quyết định việc thực hiện kiểm toán doanh nghiệp để xác định doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Việc kiểm toán nếu phát sinh chi phí thì được tính vào chi phí phá sản mà doanh nghiệp phải chi trả.
2.3. Chi phí đăng báo
Khi phá sản, doanh nghiệp phải tiến hành đăng báo. Mục đích của việc đăng báo là để doanh nghiệp đó thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với tất cả các khách hàng, các cơ quan, đối tác, người lao động của họ trước khi đi đến quyết định phá sản chính thức. Doanh nghiệp có thể chọn hình thức đăng báo giấy hoặc báo điện tử. Chi phí đăng báo được tính vào chi phí phá sản.
3. Tạm ứng chi phí phá sản
Tạm ứng chi phí phá sản được định nghĩa tại Khoản 14 Điều 4 Luật Phá sản năm 2014: “Tạm ứng chi phí phá sản là khoản tiền do Tòa án nhân dân quyết định để đăng báo, tạm ứng chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.”
Căn cứ theo khoản 2 điều 23 Luật Phá sản
“2. Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải nộp tạm ứng chi phí phá sản, trừ trường hợp người nộp đơn quy định tại khoản 2 Điều 5 và điểm a khoản 1 Điều 105 của Luật này.
…
4. Tòa án nhân dân quyết định mức tạm ứng chi phí phá sản, mức chi phí phá sản trong từng trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật và quyết định việc hoàn trả tạm ứng chi phí phá sản, trừ trường hợp người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật này"
Như vậy, theo quy định nêu trên thì người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản bắt buộc phải nộp tạm ứng chi phí phá sản, trừ các trường hợp người nộp quy định tại khoản 2 Điều 5 và điểm a khoản 1 Điều 105 Luật phá sản.