ĐBQH MAI VĂN HẢI: KHÔNG NÊN ĐẶT TÊN TÒA ÁN SƠ THẨM CHUYÊN BIỆT GẮN VỚI 3 LĨNH VỰC LÀ HÀNH CHÍNH, SỞ HỮU TRÍ TUỆ VÀ PHÁ SẢN
ĐBQH MAI VĂN HẢI: KHÔNG NÊN ĐẶT TÊN TÒA ÁN SƠ THẨM CHUYÊN BIỆT GẮN VỚI 3 LĨNH VỰC LÀ HÀNH CHÍNH, SỞ HỮU TRÍ TUỆ VÀ PHÁ SẢN
Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), đại biểu Mai Văn Hải – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đồng tình với sự cần thiết thành lập Tòa án sơ thẩm chuyên biệt để thực hiện xét xử đổi với những vụ việc khó và có tính chất đặc biệt. Đại biểu cho rằng, không kên đặt tên tòa án sơ thẩm chuyên biệt gắn với 3 lĩnh vực: hành chính, sở hữu trí tuệ và phá sản.
Sau khi dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) được cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo phối hợp tiếp thu, giải trình, chỉnh lý nhiều nội dung đại biểu cho ý kiến. Dự thảo luật tiếp tục được hoàn thiện trên cơ sở ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 7 tới.
Đánh giá về bản dự thảo mới nhất sau khi đã tiếp thu các ý kiến góp ý, đại biểu Mai Văn Hải – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đánh giá, dự thảo Luật Tổ chức Tòa án (sửa đổi) đã được tiếp thu nhiều ý kiến xác đáng, đại biểu Quốc hội cũng thống nhất rất cao với Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau Kỳ họp thứ 6.
Đại biểu Mai Văn Hải – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa
Căn cứ theo Điều 4 về tổ chức Tòa án sơ thẩm chuyên biệt, đại biểu Mai Văn Hải cho biết, điểm đ nêu rất cụ thể là Tòa án sơ thẩm chuyên biệt hành chính, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt sở hữu trí tuệ, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt phá sản. Cơ bản thống nhất cần quy định thành lập tòa án chuyên biệt để thực hiện xét xử đối với những vụ việc mang tính chất rất đặc biệt và khó, nhưng theo đại biểu Mai Văn Hải, không nên đặt tên tòa án gắn với 3 lĩnh vực hành chính, sở hữu trí tuệ và phá sản.
Đại biểu cho rằng, còn rất nhiều lĩnh vực khác cũng rất khó và phức tạp có thể cũng cần phải có tòa án chuyên biệt, ví dụ đất đai cũng là lĩnh vực có nhiều vụ việc cực kỳ phức tạp, thương mại quốc tế hay nhiều lĩnh vực khác, nếu chúng ta chỉ đặt 3 tòa án sơ thẩm chuyên biệt gắn với 3 lĩnh vực cụ thể chưa phù hợp. Do vậy, đại biểu đề nghị chỉ quy định rất rõ về chức năng, nhiệm vụ của các tòa án chuyên biệt trên các lĩnh vực.
Đại biểu lấy ví dụ quy định Tòa án sơ thẩm chuyên biệt trong lĩnh vực hành chính, trong lĩnh vực hành chính, tòa án cấp huyện hay tòa án cấp tỉnh lâu nay vẫn xử bình thường, theo báo cáo đã giải quyết số lượng vụ việc rất lớn, trên 25.000 vụ việc trong 7 năm (bình quân khoảng 3.600 vụ việc/năm). Đại biểu băn khoăn số lượng chúng ta giải quyết rất lớn, vậy có nên hay không nên thành lập tòa chuyên biệt sơ thẩm hành chính?. Do vậy, nên quy định tòa án sơ thẩm chuyên biệt và bên cạnh đó quy định rất rõ chức năng, nhiệm vụ xét xử ở một số lĩnh vực cụ thể, đặc thù, phức tạp.
Tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật Tổ chức TAND ngày 10/4 tại Khoa Luật Dân sự, trường ĐH Luật TP.HCM. Dự thảo vẫn còn bỏ ngỏ cách thức tổ chức TAND sơ thẩm chuyên biệt. PGS.TS Hồng Nhung dự liệu những tình huống sau:
Thứ nhất, TAND sơ thẩm chuyên biệt được ghi nhận và xây dựng là một TAND tồn tại độc lập song song TAND sơ thẩm cấp huyện. Trường hợp tổ chức TAND sơ thẩm chuyên biệt theo đơn vị hành chính như vậy sẽ tiêu tốn nguồn lực rất lớn của đất nước về xây dựng cơ sở vật chất, biên chế nhân sự, kinh phí vận hành. Đồng thời, sẽ gây lãng phí rất lớn nếu tổ chức TAND sơ thẩm chuyên biệt tại một số địa phương không có hoặc có rất ít án chuyên biệt, mỗi năm chỉ xét xử một vài vụ. Có thể thấy giải pháp này không phù hợp.
Thứ hai, tổ chức TAND sơ thẩm chuyên biệt theo khu vực gồm nhiều huyện trong một tỉnh hoặc tổ chức theo đơn vị hành chính cấp tỉnh thì sẽ ảnh hưởng đến việc tiếp cận công lý của người dân về khoảng cách địa lý và trình độ dân trí không đồng đều giữa các khu vực. Tuy nhiên, dù thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt theo khu vực gồm nhiều huyện trong một tỉnh hoặc theo cấp tỉnh thì giải pháp này cũng không khác gì tình huống một ở trên: có những địa phương không có hoặc ít án chuyên biệt, gây hao phí nguồn lực ...
Thứ ba, tổ chức TAND sơ thẩm chuyên biệt theo ba miền Bắc, Trung, Nam, như mô hình của TAND Cấp cao hiện nay. Mô hình này có thể giải quyết được vấn đề về số lượng án, nhưng việc thuận tiện cho việc tiếp cận công lý của người dân thì không hề dễ dàng, từ đó công lý không đạt được hiệu quả trên thực tế.
Nguồn tin: Cổng thông tin Quốc hội Việt Nam