Quy định mới về việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt
Việc sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 được đánh giá là khách quan và cần thiết, trên cơ sở Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (sau đây gọi là Nghị quyết số 27-NQ/TW); các nghị quyết, văn kiện của Đảng đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp về cải cách tư pháp, cần phải thể chế hóa để đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án; kết quả tổng kết 08 năm thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 cho thấy Luật còn tồn tại những vướng mắc, bất cập và một số vấn đề chưa hợp lý. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu khoa học pháp lý trong nước và quốc tế về tư pháp đặt ra yêu cầu phải ứng dụng những thành tựu khoa học tiến bộ, phù hợp, tiếp tục hoàn thiện, đổi mới tổ chức và hoạt động để Tòa án thực hiện đầy đủ chức năng “là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”.
Sau 02 năm xây dựng, dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) đã được Quốc hội Khóa XV, tại kỳ họp 7 thông qua ngày 24/6/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.
Một trong những điểm mới nổi bật của Luật, đó là việc “Thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt”, đặc biệt là Tòa án nhân dân chuyên biệt về Phá sản, quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 4 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024.
Để bảo đảm tính chuyên môn hóa và sự chuyên sâu trong hoạt động xét xử vụ việc phá sản, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 bổ sung quy định về việc thành lập các Tòa án nhân dân chuyên biệt Phá sản với nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể như sau:
- Tòa án nhân dân chuyên biệt Phá sản giải quyết vụ việc phá sản thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân theo quy định của luật
Căn cứ theo Điều 62 Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2024 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt:
“3. Tòa án nhân dân chuyên biệt Phá sản có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Giải quyết vụ việc phá sản thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân theo quy định của luật;
b) Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật;
c) Thực hiện việc tổng kết thực tiễn giải quyết vụ việc phá sản; đề xuất án lệ;
d) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 3 của Luật này và nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.”
“1. Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt có Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán Tòa án nhân dân, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, công chức khác và người lao động. Thẩm phán Tòa án nhân dân công tác tại Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt có kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền xét xử, giải quyết của Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt.
2. Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt có bộ máy giúp việc.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt.”
Nguồn: Bộ Tư pháp