Thương lượng giữa chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản với doanh nghiệp mất khả năng thanh toán được tiến hành như thế nào
Thương lượng giữa chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán được tiến hành như thế nào?
Để giải quyết hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán và chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, giải pháp hữu hiệu nhất là các bên thiện chí thương lượng giải quyết với nhau. Vấn đề này được Luật Phá sản năm 2014 quy định như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Nội dung này được quy định tại Điều 37 Luật Phá sản năm 2014 như sau:
Trong thực tiễn giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tại Tòa án cho thấy, sau khi nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Thẩm phán thường giải thích quyền và nghĩa vụ của các bên và để cho các bên có thể tự tiến hành thương lượng với nhau.
“Điều 37. Thương lượng giữa chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án nhân dân nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản có quyền đề nghị bằng văn bản gửi Tòa án nhân dân để các bên thương lượng việc rút đơn. Tòa án nhân dân ấn định thời gian thương lượng nhưng không quá 20 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ.
- Trường hợp các bên thỏa thuận được với nhau về việc rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì Tòa án nhân dân trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
- Trường hợp thương lượng không thành hoặc hết thời hạn thương lượng mà các bên không tiến hành thương lượng thì Tòa án nhân dân thông báo cho người nộp đơn nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản và thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định của Luật này.
- Việc thương lượng của các bên theo quy định tại Điều này không được trái với quy định của pháp luật về phá sản.”
Có thể thấy, việc bảo đảm quyền thương lượng giữa chủ nợ và doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán thể hiện tinh thần tôn trọng sự thỏa thuận, thương lượng giữa chủ nợ và doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. Trong hoạt động kinh doanh, không một doanh nghiệp, hợp tác xã nào mong muốn bị phá sản. Khi bị phá sản thì không chỉ doanh nghiệp, hợp tác xã đó chịu hậu quả mà làm cho những chủ thể khác có liên quan bị ảnh hưởng tiêu cực. Cơ chế thương lượng là biện pháp hữu hiệu giúp các bên giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản trong hòa bình, đồng thời mang ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế, xã hội.
Có thể có hai trường hợp xảy ra khi hai bên thương lượng với nhau là:
- Nếu thương lượng thành công thì chủ nợ sẽ rút đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản, Tòa án sẽ trả lại đơn và không mở thủ tục phá sản.
- Nếu thương lượng không thành công hoặc hết thời hạn mà hai bên không tiến hành thương lượng, Tòa án sẽ thông báo cho chủ thể nộp đơn nộp lệ phí phá sản hoặc tạm ứng chi phí phá sản để tiếp tục tiến hành thủ tục phá sản doanh nghiệp.
Luật Phá sản năm 2014 quy định thời hạn để tiến hành thương lượng dài nhất là 20 ngày kể từ ngày Tòa án nhân dân nhận được đơn yêu cầu mở thù tục phá sản hợp lệ. Thời hạn này là phù hợp, nó không quá ngắn để hai bên thương lượng phải gấp rút thương lượng có thể dễ đến những quyết định vội vàng hoặc không thể thương lượng thành công và nó cũng không quá dài để làm kéo dài để giải quyết thủ tục phá sản.