Tối ưu hóa chi phí giải quyết tranh chấp với hòa giải thương mại và vai trò của luật sư tham gia hòa giải thương mại

Tối ưu hóa chi phí giải quyết tranh chấp với hòa giải thương mại và vai trò của luật sư tham gia hòa giải thương mại

Một số hiểu lầm về hòa giải thương mại

Quyết định của doanh nghiệp trong việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp chịu sự tác động rất lớn từ những gì mà luật sư hay nhân sự pháp chế tư vấn cho họ. Trong đó, Hòa giải thương mại là một phương thức mang lại hiệu quả cao và nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên phương thức này chưa nhận được sự đánh giá cao từ nhiều luật sư và chưa được nhiều khách hàng lựa chọn. Nguyên nhân của việc này xuất phát từ một số quan điểm sai lầm chủ yếu như sau.

Thứ nhất,

Hòa giải không phải là một phương thức hiệu quả, vì các bên có thể rời bỏ quá trình hòa giải bất kỳ lúc nào. Tâm lý này không chỉ có ở khách hàng mà cả ở các luật sư. Bản thân luật sư không tin tưởng vào hiệu quả của hoạt động hòa giải thì sẽ rất khó để thuyết phục khách hàng, chưa kể đến việc thuyết phục bên còn lại trong tranh chấp chấp nhận hòa giải. Kể cả khi các bên đã chấp nhận tiến hành hòa giải thì mỗi bên đều có thể chấm dứt quá trình hòa giải bất kỳ lúc nào. Tư tưởng này sai lầm bởi việc các bên tự do tiến tới hòa giải và tự do chấm dứt quá trình hòa giải chính là một tính chất quan trọng của hòa giải, các bên chỉ có thể hài lòng và thực hiện đúng thỏa thuận hòa giải nếu họ tự nguyện đi tới thỏa thuận đó. Nếu họ bị ép buộc hay cưỡng chế để đi tới kết quả hòa giải thành, thì kết quả đó không phải là một kết quả họ mong muốn, và xu hướng vi phạm, phá hoại kết quả hòa giải thành là điều không thể tránh khỏi.

Thứ hai,

Hòa giải tốn thời gian và tiền bạc, vì nếu hòa giải không thành thì các bên vẫn phải tiến hành khởi kiện ra Trọng tài hoặc Tòa án. Trong thời gian tiến hành hòa giải, thời hiệu khởi kiện ra Trọng tài hay Tòa án vẫn tiếp tục, do đó nếu quá trình hòa giải kéo dài nhưng kết quả là hòa giải không thành thì các bên có thể mất quyền khởi kiện vì đã quá thời hiệu khởi kiện. Mặt khác, trong trường hợp hòa giải không thành thì các bên không chỉ tốn chi phí cho tố tụng mà còn phải tốn chi phí cho việc tiến hành hòa giải. Đây là một sai lầm khác về tư duy, vì (i) chi phí cho hòa giải là chi phí để mua cơ hội hòa giải thành công, với một mức phí hợp lý thì các bên có được cơ hội thỏa thuận thành công với tỷ lệ lên tới 70-80%; (ii) ngay cả trong trường hợp hòa giải không thành, thì các bên đã hiểu nhau hơn, giảm bớt sự đối đầu và tìm ra những điểm chung nhất định. Điều này sẽ giúp giảm bớt tối đa phạm vi tranh chấp và giảm bớt quy mô tranh chấp vụ kiện tại tố tụng.

Thứ ba,

Luật sư phải nộp tất cả chứng cứ có được trong quá trình hòa giải. Để thể hiện thiện chí của mình, luật sư hoặc bên yêu cầu hòa giải thường có xu hướng chia sẻ chứng cứ mà mình có được trong quá trình đàm phán, nhưng không thể đảm bảo rằng bên được yêu cầu cũng có thiện chí như vậy. Do đó, dẫn đến suy nghĩ khi hòa giải không thành, bên còn lại sẽ có cơ hội chuẩn bị những chứng cứ hoặc lập luận phản bác gây bất lợi cho bên đã đưa chứng cứ. Tư tưởng này rất sai lầm bởi vì quá trình hòa giải là hoàn toàn bảo mật và các bên không có quyền mang thông tin, chứng cứ trong quá trình hòa giải đệ trình lên Tòa án hoặc Trọng tài.

Thứ tư,

Hòa giải sẽ khiến luật sư mất đi thu nhập và không thể hiện được vai trò rõ ràng như khi tranh tụng tại Trọng tài hoặc Tòa án. Dưới góc độ hành nghề, luật sư thường cho rằng nhiệm vụ tất yếu của mình là đại diện cho khách hàng trình bày những yêu cầu, quan điểm, đưa ra những bằng chứng để chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và đối phương là người sai. Trong quá trình hòa giải, vai trò của luật sư sẽ không được thể hiện rõ ràng, từ đó khiến luật sư bị mất đi khoản thu nhập có được từ các công việc mà luật sư có thể thể hiện nhiều vai trò hơn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng như tranh tụng tại Tòa án hoặc Trọng tài. Đây là một sai lệch trong quan điểm kinh doanh và vi phạm đạo đức nghề luật sư, như giải thích rõ hơn dưới đây.

Hiểu đúng về luật sư trong hòa giải

Thứ nhất, vai trò của luật sư là vô cùng quan trọng vì họ phải có mặt trong các phiên hòa giải và kể cả các phiên đàm phán riêng trước và sau đó. Do đó, tham gia hỗ trợ đàm phán và hòa giải có thể đem lại thu nhập tiềm năng cho luật sư lớn hơn so với tham gia tranh tụng.

Dưới góc độ của khách hàng, họ luôn muốn giải quyết tranh chấp mà không cần phải đem tranh chấp ra cơ quan tố tụng và hòa giải chính là một trong những biện pháp hữu hiệu để giải quyết nhu cầu này. Khách hàng cho rằng họ không cần luật sư tham gia vào quá trình hòa giải là do họ chưa thấy được vai trò của luật sư là cần thiết. Đầu tiên, khi tham gia hòa giải, luật sư không chỉ cần thiết để làm rõ vấn đề về mặt nội dung mà có thể về quy trình, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của khách hàng. Luật sư cần giải thích, chứng minh cho khách hàng rằng sự có mặt của luật sư là cần thiết. Trên thực tế, quá trình hòa giải không kết thúc quá nhanh, vì khi các bên tự làm việc với nhau, họ chưa kịp tìm hiểu nguồn gốc vấn đề và các nhu cầu chính yếu của nhau thì đã tiến hành đàm phán, kết quả là các bên không thể giải quyết được tận gốc rễ của vấn đề về lợi ích. Do đó, vai trò của luật sư trong việc giúp các bên hiểu được bản chất của vấn đề cũng như cố vấn phòng ngừa rủi ro cho khách hàng là rất quan trọng. Hơn nữa, luật sư hoàn toàn có thể yêu cầu một khoản phí thành công từ khách hàng nếu phương án hòa giải được khách hàng đánh giá là phù hợp và vụ tranh chấp có thể được giải quyết một cách nhanh chóng.

Bên cạnh những giá trị vật chất như đã phân tích ở trên, luật sư hoàn toàn có thể đạt được những giá trị về uy tín trong hoạt động hòa giải. Xét trên khía cạnh lâu dài, giá trị của luật sư hòa giải sẽ cao hơn luật sư tranh tụng vì những lợi ích tiềm năng không đong đếm được mà hòa giải có thể đem lại cho các bên. Trong trường hợp hòa giải thành công, khách hàng sẽ tin tưởng luật sư đang mong muốn những điều tốt nhất, phù hợp nhất cho khách hàng chứ không phải đẩy tranh chấp lên cao trào để thu phí luật sư cao. Kể cả trong trường hợp hòa giải không thành công, khách hàng hay thậm chí là bên còn lại trong tranh chấp cũng sẽ nhìn nhận được quan điểm hợp tác, thiện chí cũng như đề cao tính hiệu quả kinh doanh cho khách hàng của luật sư, và họ có thể giới thiệu những khách hàng khác cho luật sư.

Ngoài ra, vai trò của luật sư trong hoạt động hòa giải cũng giúp luật sư mở rộng các kỹ năng và chuyên môn khác ngoài việc tư vấn trong giao kết hợp đồng hay tranh tụng - những công việc quen thuộc đối với hoạt động hành nghề luật sư. Về mặt tâm lý, bản thân luật sư cũng sẽ cảm thấy thoải mái và hài lòng hơn khi tranh chấp có thể được giải quyết một cách hòa bình, hữu nghị và hai bên ra về trong tâm thế vui vẻ và hài lòng với kết quả đạt được.

Chiến lược chi phí hiệu quả

Bên thắng cuộc trên danh nghĩa thông thường mới là người thua cuộc trên thực tế - xét về phí, chi phí phải bỏ ra và sự lãng phí thời gian. Với tư cách là người giúp hòa giải, luật sư có cơ hội lớn để làm một người tốt.” – Abraham Lincoln (ca. 1850).

 Nếu so sánh thu nhập có được và chi phí phải bỏ ra cho việc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải hoặc tố tụng, ta có thể thấy.

Về thu nhập có được từ việc thắng kiện/hòa giải thành, thông thường để đạt được hòa giải thành các bên thường phải từ bỏ một số lợi ích, do đó thu nhập có được từ việc hòa giải thành sẽ không lớn bằng thu nhập có được từ việc thắng kiện (trong trường hợp được chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện). Hãy lấy một ví dụ minh họa, giả sử như tất cả yêu cầu của khách hàng được chấp nhận thì họ sẽ nhận được 50.000$ theo bản án của Tòa hoặc phán quyết của Trọng tài, nhưng trong hòa giải thì họ sẽ chỉ nhận được 30.000$.

Về chi phí thuê luật sư, do vai trò của luật sư trong tố tụng thường được thể hiện rõ nét hơn và thậm chí phải thuê nhiều luật sư để đạt được hiệu quả tối đa, nên chi phí thuê luật sư trong hoạt động tố tụng sẽ cao hơn chi phí thuê luật sư trong hoạt động hòa giải. Mặt khác, do quy trình hòa giải thường ngắn hơn quy trình tố tụng, chi phí thuê luật sư theo giờ trong hòa giải cũng sẽ ít hơn so với thuê luật sư tham gia tố tụng. Như vậy, nếu chi phí thuê luật sư khi tham gia tố tụng là khoảng 16.000$ thì toàn bộ chi phí thuê luật sư trong hòa giải chỉ khoảng 10.000$.

Về chi phí hành chính, chi phí này được hiểu là án phí trong tố tụng Tòa án, phí trọng tài trong tố tụng Trọng tài và phí hòa giải trong quá trình Hòa giải thương mại. Với cùng một giá trị tranh chấp, phí hòa giải sẽ thấp hơn so với phí tố tụng tại Trọng tài hoặc Tòa án. Giả sử chi phí hành chính cho tố tụng là 10.000$ thì chi phí cho việc tiến hành hòa giải chỉ tốn khoảng 2.000$.

Về chi phí cho Bên thứ ba, trong hoạt động tố tụng, do kết quả giải quyết tranh chấp không nằm trong tầm kiểm soát của các bên như trong hoạt động hòa giải và mang tính rủi ro cao hơn, do đó chi phí cho bên thứ ba trong hoạt động tố tụng cũng sẽ cao hơn, khoảng 15.000$ trong khi chi phí tương tự trong hoạt động hòa giải chỉ khoảng 5.000$. Tổng hợp lại, việc thắng kiện tại Tòa sẽ đem lại kết quả ròng sau khi trừ các chi phí là 50.000$ - 16.000$ – 10.000$ – 15.000$ = 9.000$ và thời gian kéo dài hàng năm. Ngược lại, việc hòa giải thành công sẽ tạo ra kết quả ròng là 30.000$ - 10.000$ - 2.000$ - 5.000$ = 13.000$, chưa tính tới lợi ích to lớn của việc quan hệ hòa hảo giữa hai bên được giữ gìn, và tranh chấp được giải quyết trong thời gian ngắn hơn nhiều.

Như vậy, mặc dù thu nhập có được từ hòa giải thành không cao bằng so với thu nhập có được từ việc thắng kiện trong hoạt động tố tụng, nhưng chi phí khách hàng bỏ ra cho hòa giải lại ít hơn và thu nhập sau cùng thậm chí còn cao hơn trong một khoảng thời gian ngắn hơn (hòa giải mất khoảng 1-2 tháng, trong khi tố tụng có thể là vài tháng, hoặc thậm chí là vài năm). Có thể nói, hòa giải không chỉ giúp các bên giải quyết tranh chấp một cách nhanh hơn và tiết kiệm chi phí hơn, mà còn có thể giúp doanh nghiệp đạt được những lợi ích khác từ việc duy trì mối quan hệ kinh doanh hữu hảo.

Triết lý kinh doanh và đạo đức nghề luật sư

So với các phương thức giải quyết tranh chấp khác, Hòa giải thương mại có nhiều điểm ưu thế vượt trội. Đầu tiên, một điểm đặc trưng của Hòa giải đó là có một người hỗ trợ là Hòa giải viên. Hòa giải viên có vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động hòa giải. Thứ nhất, Hòa giải viên có nhiệm vụ quan trọng là giúp các bên để các bên ý thức, nhận rõ được những lợi thế của việc hòa giải. Thứ hai, Hòa giải viên là người có kỹ năng và phẩm chất để kết nối và thúc đẩy, tạo ra chất xúc tác để các bên dễ gặp nhau và trao đổi thân thiện, cởi mở và hợp tác hơn, hiểu rõ hơn vị thế của từng bên và lợi ích mà mình có thể đạt được thông qua Hòa giải khi so với phương thức khác như Trọng tài hay Tòa án. Với mục tiêu và vai trò của Hòa giải viên, là những người được đào tạo chuyên nghiệp và có phẩm chất, kinh nghiệm, trách nhiệm nghề nghiệp, sử dụng Hòa giải sẽ giúp các bên đạt được hiệu quả.

Ngoài ra, yếu tố thời gian, yếu tố chi phí và giữ được mối quan hệ tốt giữa các bên có tranh chấp là 3 điểm ưu thế vượt trội của Hòa giải so với các phương thức giải quyết tranh chấp khác. Ví dụ như VIAC là một trong những Trung tâm Trọng tài quốc tế có tốc độ giải quyết tranh chấp được đánh giá gần như nhanh nhất thế giới, tốc độ trung bình cũng là 6 tháng, những vụ lớn có thể lên tới 2 – 3 năm. Trong khi đó, khi sử dụng hòa giải, thời gian để các bên chuẩn bị, trao đổi với Trung tâm Hòa giải và gặp gỡ, trao đổi với Hòa giải viên chỉ mất 1 tháng, chi phí cũng tiết kiệm khá nhiều so với giải quyết bằng Tòa án hoặc Trọng tài. Nếu hòa giải thành thì quan hệ giữa các bên tốt đẹp hơn, “cùng thắng”, so với việc tham gia tố tụng mà ở đó sẽ luôn có một bên thắng một bên thua hay cả hai bên cùng thua.

Một trong những yếu tố không thể bỏ qua khi luật sư tư vấn khách hàng quyết định tham gia hòa giải, cũng như trực tiếp hỗ trợ khách hàng trong quá trình hòa giải, đó là nghĩa vụ của luật sư phải hành động vì lợi ích tốt nhất của khách hàng. Nghĩa vụ này được quy định trong quy tắc đạo đức nghề luật sư của hầu hết các quốc gia trên thế giới.  Nghĩa vụ này được thể hiện ở hai khía cạnh:

Thứ nhất,

Luật sư có trách nhiệm phải thông báo, giải thích cho khách hàng biết lựa chọn hòa giải, cũng như các lợi ích, chi phí, quá trình và kết quả của hòa giải cho khách hàng.

Thứ hai,

Luật sư có nghĩa vụ hỗ trợ tận tâm với khách hàng, sử dụng kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp của mình để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng trong quá trình hòa giải. Đặc biệt, luật sư không được phép tìm cách phá hoại quá trình hòa giải hay kết quả hòa giải để đẩy khách hàng vào tình thế buộc phải tham gia tranh tụng nếu thủ tục đó không cần thiết.

  1. Ví dụ tại Việt Nam, nó được quy định trong Quy tắc 5 – Bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng trong Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam 2019.

Các nghĩa vụ trên cũng thể hiện triết lý kinh doanh vì lợi ích tối đa của khách hàng và không mâu thuẫn với lợi ích kinh tế của bản thân luật sư. Về lâu dài, triết lý kinh doanh với quan điểm hợp tác và thiện chí, chú trọng về lợi ích kinh tế của khách hàng và các bên sẽ đem lại nhiều lợi ích cho luật sư hòa giải và kết quả kinh doanh chung sẽ tốt hơn cho luật sư so với quan điểm kinh doanh theo xu hướng cạnh tranh, loại trừ lợi ích của hòa giải và đẩy tranh chấp vào thủ tục tố tụng để giành các kết quả pháp lý có lợi tại tòa án hoặc trọng tài.

Kết luận

Như vậy, trong hầu hết các tranh chấp thương mại, hòa giải là một biện pháp hữu hiệu nhằm giảm bớt chi phí, thời gian giải quyết tranh chấp, và đem lại nhiều lợi ích kinh tế và những lợi ích khác cho các bên. Luật sư tranh tụng có nghĩa vụ giải thích, hướng dẫn và giúp đỡ cho khách hàng lựa chọn cũng như tham gia một cách hiệu quả phương thức này song song với việc tiến hành các phương thức giải quyết tranh chấp khác nhằm bảo vệ lợi ích tối đa của khách hàng và tiết kiệm chi phí và thời gian tốn kém không cần thiết.